TỔNG QUAN
Giới thiệu chung về xã Minh Tân
26/04/2021 12:00:00

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ MINH TÂN

1. Vị trí địa lý:

- MinhTân là một trong 19 xã, thị trấn của huyện Nam Sách, nằm ở phía Tây Nam của huyện. Xã có Phía Tây Bắc giáp xã Thái Tân, phía Đông Bắc giáp xã Hồng Phong, phía Đông giáp xã An Thượng (tp Hải Dương), phía Tây Nam giáp huyện Cẩm Giàng và thành phố Hải Dương. Xã cách thị trấn Nam Sách 5 km về phía Bắc, cách thành phố Hải Dương 6 km về phía Đông Nam.

- Minh Tân có diện tích tự nhiên 6,49 km2 (649,66 ha). có 276,84 ha đất canh tác (tương đương 769 mẫu). Dân số có 5.269 người. Mật độ dân số trung bình 810 người/km2. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 57,5%; tỷ lệ lao động của xã qua đào tạo chiếm 43%. Xã gồm 05 thôn: Uông Hạ, Mỹ Xá, Uông Thượng, Hùng Thắng và Mạc Xá, với 21 dòng họ đang sinh sống trên địa bàn.

- MinhTân nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sựbồi lắng phù sa của sông Thái Bình, xã có 5,2 km đê Trung ương. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề khác.

2. Về giao thông:

Xã Minh Tân nằm xa trung tâm huyện. Tuyến đường giao thông chính của xã là 5,15 km, đường thôn xóm là 24,7 km, đường nội đồng là 15,5 km. Đến nay, đường thôn, xóm đều được mở rộng, bê tông hoá. Dự án cầu Hàn hoàn thành, Minh Tân có thêm 01 tuyến đường nối từ đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) đi qua xã và tiếp nối với Quốc lộ 37. Tất cả được nối vào con đường chính của xã đi ra đường 5B, tạo điều kiện cho việc đi lại dễ dàng, phục vụ thiết thực cho các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội, của nhân dân địa phương trong thời kỳ đổi mới

3. Phát triển kinh tế

- Nghề lao động chính của người dân Minh Tân là sản xuất nông nghiệp. Trước đây nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng là sản xuất gốm sứ cổ truyền do Nghệ nhân Đặng Huyền Thông sản xuất vào thế kỷ XV - XVI, bên cạnh đó có nghề trồng cói, dệt chiếu.

- Những năm gần đây kinh tế của Minh Tân có tốc độ tăng trưởng khá, đạt 10,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2016, cơ cấu kinh tế giữa nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là: 39,93% - 26,64% - 33,43%. Thu nhập bình quân/người/năm đạt 27 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng sản xuất cà rốt ven sông Thái Bình. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Năm 2017 Đảng bộ, chính quyền xã đang tích cực, tập trung chỉ đạo nhân dân quyết tâm hoàn thành các tiêu chí đạt xã chuẩn nông thôn mới

4. Văn hóa

MinhTân là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt", có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân vănhoá của quê hương, đất nước. Huyện Nam Sách có 5 vị trạng nguyên, thì Minh Tân có 01 Trạng nguyên Trần Quốc Lặc (1256) người Uông Hạ. Qua các triều đại phong kiến, Minh Tân có 13 tiến sỹ nho học, trong đó Uông Hạ 09, Mỹ Xá 03 và Mạc Xá 01; có 01 nghệ nhân gốm sứ Đặng Huyền Thông thôn Hùng Thắng. 01 Trung tướng (Đ/c Nguyễn Phúc Hoài, thôn Uông Hạ); 01 Cục trưởng; 01 chủ tịch HĐND tỉnh. Đến nay toàn xã có 5/5 làng đạt danh hiệu làng văn hóa (tỷ lệ 100%), 100% làng có nhà văn hóa đạt chuẩn; có trường Mầm non Nguyễn Đức Sáu đạt chuẩn Quốc gia, trường TH&THCS Nguyễn Đức Sáu đang hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia (Do mới được sát nhập). Số cháu huy động ra nhà trẻ 98 cháu đạt 42%; số cháu huy động ra mẫu giáo 255 cháu đạt 100%. Học sinh thi đỗ THPT là 38/49 học sinh, đạt tỷ lệ 77,55%. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2006, hoàn thiện các công trình phục vụ khám chữa bệnh năm 2020. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 10,9%

- Người dân Minh Tân cần cù, sáng tạo, giàu nghị lực, yêu quê hương đất nước, có cuộc sống văn hoá tinh thần rất phong phú. Ở hầu hết các làng, xã đều có đình, chùa, đền, miếu, nghè với những kiến trúc đẹp, nét hoa văn tinh xảo. Trong xã có 12 di tích, trong đó có 02 di tích được xếp hạng (Đền thờ Nghệ nhân gốm sứ Đặng Huyền Thông xếp hạng cấp Quốc gia, Di tích lịch sử - văn hóa Đền Mỹ Xá xếp hạng cấp Tỉnh), phấn đấu đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử Đình Tả, thôn Uông Hạ.

5. Truyền thống cách mạng

MinhTân là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, Minh Tân đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Toàn xã có 183 liệt sỹ, 132 thương, bệnh binh, 21 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Minh Tân đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, 01 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Sáu, thôn Uông Hạ; 01 Trung tướng Nguyễn Phúc Hoài, thôn Uông Hạ;

6. Tôn giáo:

Trên địa bàn xã hiện có 01 tôn giáo (Phật giáo) hoạt động được pháp luật công nhận. Nội bộ nhân dân đoàn kết, chung sống hài hòa trong cộng đồng xã hội.

 
 Trụ sở xã Minh Tân
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ MINH TÂN - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: Vũ Thị Thiềm - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Tân

Địa chỉ: xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0988802137

Email: vuthithiem@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0