CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Thực trạng và giải pháp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn xã Minh Tân
11/05/2023 12:00:00

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, là nội dung quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải tiếp tục có những đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến.

I. Thực trạng khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn xã

1. Dịch vụ công là gì.

Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến được chia thành 4 mức độ: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Như vậy, mức độ 1 là mức độ đơn giản nhất của dịch vụ công trực tuyến, mức độ 4 là mức độ hoàn chỉnh nhất của dịch vụ công trực tuyến. Ở mức độ 4, người dùng được cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh mà không cần đến gặp trực tiếp cơ quan, tổ chức. Khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến thì người dân, doanh nghiệp có thể kết nối dễ dàng với cơ quan nhà nước thông qua môi trường mạng. Qua đó, người dân được thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ những công chức giải quyết thủ tục hành chính, giúp cơ quan nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn.

2. Thực trạng trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến

- Các dịch vụ công chủ yếu được cung cấp ở mức độ thấp, hiện nay dịch vụ công mức độ 2 vẫn đang được sử dụng rộng rãi và vẫn chiếm số lượng rất lớn. Trong khi đó, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp nhưng số lượng hồ sơ tiếp nhận vẫn còn hạn chế, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 rất ít hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến.

- Hiện nay trang thông tin điện tử của xã đã bảo đảm cơ bản cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; cung cấp tất cả các thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa điện tử ở mức độ 2, nâng cấp một số thủ tục hành chính lên mức độ 3,4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiêncó thời điểm còn thiếu tính cập nhật và không đầy đủ dữ liệu về hồ sơ, thủ tục liên quan đến dịch vụ công. Dẫn đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế. Ngoài ra, khi tổ chức hay công dân thực hiện giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước, không thể kiểm tra xem người gửi yêu cầu thực hiện dịch vụ công đó có phải là người có đủ yêu cầu và đủ điều kiện để giải quyết thủ tục hành chính hay không. Vì vậy, có thể làm lãng phí thời gian của người thụ lý hồ sơ khi phải nhận các hồ sơ không có thực, giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân không đủ điều kiện.

- Phần lớn người dân chưa tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ thông tin, dẫn đến khả năng tiếp cận và sử dụng Internet còn thấp, đây là khó khăn, trở ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

3. Kết quả triển khai thực hiện

Trước những khó khăn trên, những năm qua, lãnh đạo xã Minh Tân đã có sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn xã thông qua nhiều văn bản và các giải pháp khác nhau. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được chỉ đạo thực hiện trong chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn ……………..cũng như kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Tất cả các dịch vụ công phải ở mức độ 2; trên cơ sở đó nâng cấp một số thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Với sự chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã cùng với tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã, UBND xã đã triển khai tích cực và đạt được những kết quả đáng kể.

Thực hiện cài đặt hệ thống một cửa điện tử để triển khai đồng bộ tại các phòng ban chuyên muôn thuộc UBND xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan; cập nhật toàn bộ thủ tục hành chính đưa lên hệ thống một cửa điện tử để công khai đến tổ chức, nhân dân, doanh nghiệp...

Hiện nay, tổng các dịch vụ công trực tuyến của các phòng ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, gồm 406 bộ thủ tục, trong đó:

         + 04 bộ thủ tục mức độ 2 (0,99%).

         + 191 bộ thủ tục mức độ 3 (47,04%).

         + 211 bộ thủ tục mức độ 4 (51,97%).

Tuy nhiên, các hồ sơ trên đều do cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã nhập vào hệ thống từ hồ sơ giấy của người dân và doanh nghiệp mang đến nộp. Hồ sơ trực tuyến do người dân và doanh nghiệp trực tiếp đăng ký trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 rất ít, không đáng kể.

Nguyên nhân chủ yếu là do chưa chủ động trong công tác vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp; thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức trực tiếp vận hành, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chưa thật sự đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

II. Một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

Nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn xã, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nói chung và xã Minh Tân nói riêng, trong thời gian tới xã cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Xác định việc khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong cải cách hành chính, phải được quan tâm sâu sát và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến, xem đây là dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần chung tay cải cách hành chính.

2. Chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện.

- Rà soát, đánh giá dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan, đơn vị bảo đảm được vận hành ổn định, đúng quy định và quy trình của thủ tục hành chính.

- Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Trang bị 01 máy tính, để phục vụ người dân và doanh nghiệp đăng ký trực tuyến mỗi khi đến nộp hồ sơ; cung cấp thông tin liên hệ khi có nhu cầu được hướng dẫn đăng ký trực tuyến. Cử cán bộ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan, đơn vị trực tiếp hướng dẫn người dân và doanh nghiệp đăng ký trực tuyến.

3. Phải công bố kịp thời, đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 sau khi bổ sung, chỉnh sửa để phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời khuyến khích đẩy mạnh việc xây dựng và đưa vào vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

4. Xây dựng phương án, tổ chức thực hiện việc nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; bảo đảm xã có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết hàng quý tối thiểu từ 20% và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về lợi ích của dịch vụ công tại các thôn khu dân cư.

5. Đối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí, các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn huyện để sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc dịch vụ thu phí, lệ phí qua Bưu điện nhằm giảm thiểu thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

6. Chủ động phối hợp với Bưu điện xã

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định

7. Tăng cường tin, bài, phóng sự về việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng.

8. Văn phòng HĐND-UBND xã (Biên tập Trang thông tin điện tử xã): Thường xuyên tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên trang thông tin điện tử xã Minh Tân./.

Đoàn Thanh niên hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công

 
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ MINH TÂN - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: Vũ Thị Thiềm - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Tân

Địa chỉ: xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0988802137

Email: vuthithiem@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0